Nghệ nhân cả đời đắm đuối với nghề vẽ biển hiệu quảng cáo
(PLVN) - Trên con đường An Dương Vương (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), giữa những tấm biển quảng cáo dán decal, treo đèn led, có một biển hiệu được vẽ bằng tay tỉ mỉ “Hoàng Minh Phương – Vẽ, quảng cáo, bảng hiệu, hộp đèn, chữ nổi...”. Bằng tài năng, tâm huyết của mình, người chủ tiệm đã giúp lưu giữ những nét đẹp, riêng biệt và đang làm sống dậy nghề vẽ biển hiệu quảng cáo một thời là biểu tượng của đất Sài thành.
“Nghề vẽ mưa lạnh ướt vai em/ Xao xuyến hồn anh trọn nỗi niềm; Tình nhớ trong mưa chiều kỷ niệm/ Ngậm ngùi nghe nát vỡ con tim”. Bốn câu thơ trên được vẽ cách điệu bằng màu sơn trắng trên tấm biển quảng cáo đề tên tác giả Hoàng Minh Phương cũng chính là người cuối cùng vẽ biển quảng cáo bằng cọ, tay không ở Chợ Lớn, TP Hồ Chí Minh.
Người nghệ sĩ đa tài
Ông Hoài Minh Phương, tên thật là Nguyễn Thế Minh (72 tuổi) là một nghệ sĩ đa tài. Ông cũng là một trong những nghệ nhân vẽ biển hiệu trứ danh vẫn theo đuổi nghề cũ tại Sài Gòn. Trong căn nhà khoảng 30m2 vừa là cửa hàng vừa là nơi vợ chồng ông sinh sống, hàng ngày ông Phương vẫn miệt mài bên những cây cọ vẽ và thế giới của màu sắc.
Chia sẻ về việc bén duyên với nghề, ông Phương lãng mạn nói rằng: “Người yêu thơ, thường thì sẽ mê vẽ” và bản thân ông chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Ông Phương là người quê gốc Long An, từ nhỏ đã theo cha mẹ lên Chợ Lớn sinh sống. Ngày trẻ trước giải phóng ông có làm thơ và lấy nghệ danh là Hoài Minh Phương. Tuy không có nhiều tiếng tăm nhưng cũng được một số người biết tới. Sau này ông tìm thêm được niềm đam mê với nghề vẽ, nuôi giấc mơ trở thành họa sĩ và theo nghiệp vẽ biển quảng cáo tới ngày hôm nay.
Ngay từ khi còn là một cậu học sinh lớp 8, ông Hoàng Minh Phương đã từng đứng ngẩn ngơ ngắm nghĩa cái bảng vẽ tay của một trường học trên đường Phan Đình Phùng, họa sĩ Hoa Huệ đã tới đề nghị sẽ dạy vẽ khi biết chú có đam mê với hội họa. Về sau, chú còn theo họa sĩ Vũ Trọng (một người bạn thân của gia đình) để tiếp tục học hỏi và rèn luyện thêm.
Cậu thanh niên có đến 9 hoa tay đã nhanh chóng lĩnh hội những tinh hoa và nét đẹp của môn mỹ thuật và nuôi giấc mơ trở thành một hoạt sĩ. Cả hai người thầy đã giúp ông Phương định hướng được con đường nghệ thuật sau này. Tuy nhiên, sau năm 1975, thời cuộc hỗn loạn đã đẩy ông đi theo con đường vẽ chữ nghệ thuật trên biển hiệu, coi đó như một cách để giữ lấy nghề.
Dù được đào tạo về mỹ thuật nhưng bản thân ông Phương thừa nhận chưa bao giờ được chỉ dạy bài bản về nghệ thuật chữ hay thư pháp. Để có thể theo nghề vẽ biển quảng cáo ông đã tự học từ những quyển sách mẫu chữ đẹp. Nhờ vào việc được tập luyện, mài giũa thường xuyên khi đi vẽ cho khách mà tay nghề của ông ngày càng được nâng cao.
Trong suốt hơn 50 năm qua, ông Phương vẫn còn giữ gìn cẩn thận một vài cuốn sách về mẫu chữ đẹp đã cũ mèm, ố vàng nhuốm màu thời gian. Để có thể vẽ được những biển hiệu quảng cáo đẹp mắt và độc đáo, ông Phương cho biết: “Đầu tiên, tôi sẽ học cách viết chữ nghiêng rồi sau đó sẽ sáng tạo với những thể nghiệm riêng của bản thân”. Phương pháp này sẽ giúp các nghệ nhân nắm bắt được tinh hoa của lối thiết kế Tây phương, rồi sau đó tác phẩm sẽ được họ xử lý thêm một cách khéo léo.
Sau khi đã thành thục với các kiểu vẽ chữ cơ bản, ông Phương sẽ sáng tạo thêm ở cách đi nét, dựa trên mẫu chữ “Chân Phương” trong sách chữ đẹp. Ông chia sẻ rằng: “Sự đối lập giữa nét thanh và nét đậm là dấu ấn trong phong cách chữ viết tay của tôi”.
Theo ông Phương, một người vẽ biển hiệu lành nghề không chỉ giỏi trong việc vẽ chữ mà còn phải xử lý bố cục khéo léo tài tình. “Khi vẽ tay, tôi phải thực sự hiểu về khoảng cách chữ và cấu trúc của những con chữ. Điều quan trọng nhất nằm ở tư duy nghệ thuật của người họa sĩ. Bố cục và kiểu chữ phải có sự tương xứng, thế mới đẹp được”, ông Phương chia sẻ bí kíp về nghề.
Dù hành nghề vẽ biển quảng cáo nhưng tình yêu thơ ca chưa bao giờ phai nhạt trong con người ông. Đôi khi theo yêu cầu của khách ông Phương có thể sẽ viết đôi ba lời thơ đơn giản vào những biển hiệu ông vẽ. Bởi vậy, những tác phẩm của ông không chỉ mang đậm nét nghệ thuật mà còn mang theo quan điểm cá nhân và cái chất của riêng Hoàng Minh Phương.
“Tôi muốn khách hàng nhận được không chỉ một tác phẩm nghệ thuật. Nó còn gửi gắm góc nhìn của riêng tôi khi kết hợp nghệ thuật vẽ minh họa và thơ phú với nét chữ bay bướm đặc trưng”, ông nói về cái chất riêng biệt của biển hiệu vẽ tay của Hoàng Minh Phương.
Một tình yêu trọn đời
Để hoàn thành xong một bảng biểu quảng cáo, ông Minh cho biết, khi nhận được đơn đặt hàng, họ sẽ đưa cho mình một bản phác thảo trên giấy và yêu cầu về chất liệu gỗ, hoặc nhôm…. Đầu tiên phải dùng sơn trắng để sơn lót bề mặt tấm bảng. Sau khi sơn lót khô họ sẽ dùng phấn hay viết chì kẻ chữ, phác thảo hình ảnh lên bề mặt nó.
Sau đó, bắt đầu tô sơn vào hình vẽ và chữ đã được kẻ sẵn. Kiểu, kích cỡ chữ và hình ảnh trên bảng hiệu phải cân đối với diện tích của tấm bảng hiệu. Công việc này kéo dài cả tuần và có thể hơn tùy theo kích cỡ to, nhỏ của bảng hiệu.
Sống với nghề đã 30 năm nay, ông vẫn luôn tâm niệm “cái nghiệp đã tìm đến mình thì mình phải sống đẹp với nghiệp. Từng nét chữ, nét cọ phải luôn đặt tâm trí vào đó, xong rồi mình ưng ý mới gọi họ tới lấy”.
Ông vẫn dùng cách vẽ thủ công như ngày xưa, đó là dùng phấn màu, thước đo để tạo khung chữ. Cao tuổi nhưng ông vẫn chắc tay cho từng đường kẻ. Ông sử dụng tôn mỏng để làm bảng hiệu, sơn Bạch Tuyết truyền thống để làm màu vẽ. Ông giải thích loại sơn này có màu sắc tươi mới, lâu phai theo thời gian.
Trước đây để hoàn thành một tấm bảng dài gần 2m, chú mất khoảng 4 – 5 ngày vẽ liên tục. Nhưng dạo gần đây, khi chứng đau cột sống, đau lưng của tuổi già lại thêm tay bị trật vì một lần bất cẩn té ngã, để hoàn thành 1 đơn hàng của khách có khi phải mất cả tuần ròng rã. Mỗi tấm bảng như thế, chú lấy giá 300.000 – 2.000.000 đồng tùy kích thước lớn bé. Số tiền ấy cũng chỉ đủ để trang trải sinh hoạt phí và tiền thuê căn nhà đã hơn 20 năm nay.
Ông có khách hàng nhờ vẽ tấm bảng hiệu cửa hàng vật tư, người nhờ vẽ bảng quảng cáo bán tạp hóa, bảng hiệu, logo công ty, thời trang, tấm bảng hiệu bán phở... Thùng đồ nghề vẽ đã cùng ông Phương rong ruổi khắp mọi quận, huyện, con đường ngõ hẻm của Thành phố. Thậm chí có những khách hàng ở những vùng lân cận, cứ ai kêu là ông đến, không ngại nắng mưa.
Trước những năm 2000, khi biển hiệu vẽ tay còn được ưu chuộng, chú Phương có ngày chỉ ngủ được 4 tiếng vì quá đông khách, có người phải cả tháng mới lấy được biển. Nhưng làm biển quảng cáo bằng đèn led, bằng chữ điện nhấp nháy hay in phô tô với ưu điểm nhanh, giá thành đa dạng cũng khiến cho lượng khách của chú Phương giảm đi đáng kể.
Ông kể từ đầu năm 2020 đến nay chỉ nhận được 3 đơn hàng từ 3 vị khách. Người đầu tiên tình cờ đọc được trên mạng về câu chuyện của ông nên tìm đến đặt bảng hiệu trang trí nhà để ủng hộ. Người thứ hai, sau bao năm định cư ở nước ngoài nay trở lại quê muốn phục hồi lại quán cơm chay của gia đình từ mấy chục năm trước nên nhờ phục hồi lại bảng hiệu. Vị thứ 3 là chủ một cửa hàng ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) buôn bán rau sạch và có sở thích hoài cổ.
Đó là những vị khách đặc biệt và hiếm hoi. Tổng số tiền ông kiếm từ nghề này từ 3 đơn hàng kia chỉ 2,4 triệu đồng (tức 800.000 đồng/bảng hiệu). Số tiền ít ỏi đó chẳng thể giúp ông Phương duy trì cuộc sống nhưng may mắn ông có trong tay nghề chữa bong gân, trật khớp gia truyền của gia đình.
Dẫu cuộc sống khó khăn nhưng chưa bao giờ ông Phương có ý định bỏ hẳn nghề này. Bởi theo ông nó đã gắn bó với ông quá lâu và đây không những là công việc mưu sinh mà còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm của ông. Dù chật vật khó khăn nhưng khi thấy khách hàng vui mừng cầm tấm bảng hiệu do ông vẽ đủ để ông vui sướng cả tuần.
Giờ đây những vị khách của ông đa phần là khách hàng “ruột” hoặc được người quen giới thiệu. Ví như một cửa hàng mì hoành thánh ở bên Chợ Lớn họ đã đặt ông Phương làm biển mấy chục năm nay. Cứ vài năm họ lại tới tìm ông Phương đặt vẽ vì tấm biển bị phai màu theo thời gian vì mưa, nắng. Cũng có nhiều cửa hàng mỗi dịp đầu năm đều tìm đến ông vẽ một biển quảng cáo mới để mong mua, may bán đắt. “Hiện nay, hầu hết các biển quảng cáo của tôi là dành cho những quán hàng lâu năm trong vùng. Từ mấy quán hủ tiếu, quán chè, bún nước lèo hay mấy quán cà phê họ cũng thuê...”, ông kể.
Thời gian gần đầy, xu thế tìm lại vẻ đẹp “Sài Gòn xưa” đang rộ lên, những chủ cửa hàng, quán cà phê…đến nhờ ông vẽ bảng biểu quảng cáo càng nhiều. Ông cũng không nỡ lòng từ chối, cứ nhận cho dù vợ con khuyên ông nghỉ ngơi. Ông tâm sự “cái nghề này giờ như hoa nở cuối mùa, nhiều người đến tìm đến tiệm chú để đặt hàng, đôi khi họ còn mời chú tới để vẽ trang trí không gian cửa hàng, quán xá cho họ”.
Nghề vẽ bảng hiệu ở Sài Gòn xưa
Trong những dòng ký ức chia sẻ trên báo Thanh Niên, nhà văn Lê Văn Nghĩa nhớ rằng, trước năm 1975 và sau này, thời gian khi chưa có kỹ thuật làm bảng hiệu bằng máy, Sài Gòn có rất nhiều tiệm vẽ bảng quảng cáo bằng sơn trên thiếc.
Khi nghiệp chủ nhờ tiệm làm bảng hiệu thì sẽ được tiệm vẽ quảng cáo giới thiệu một loạt hình mẫu và kiểu chữ cho nghiệp chủ chọn. Nếu là tiệm hớt tóc thì sẽ có hình gương mặt một anh trai với mái tóc lượn sóng tùy theo mốt từng thời. Khi thì giống Elvis Presley với hai bên mai to hoặc có khi thì tóc “bom bê” kiểu tứ quái The Beatles. Còn tiệm may thường có hình những phụ nữ mặc áo dài đứng nhiều tư thế.
Đôi khi là hình chân dung của một vài nữ nghệ sĩ thời thượng. Chữ nghĩa, nội dung thì đủ loại tùy theo nghiệp chủ mở ngành hàng gì. Bán xe thì bảng hiệu sẽ có hình ảnh khác với tiệm bán hòm. Những hình ảnh, kiểu chữ bay bướm, đủ màu sắc tùy theo “gu” của nghiệp chủ được vẽ bằng đôi tay thiện nghệ của các thợ vẽ đủ thể loại như Tiệm may Chú Sồi, hoặc có hơi hướng thời đại thì Tailor Minh, Tiệm uốn tóc Chú Há hay Baber salon Tửng…
Thật là trăm hoa đua nở. Không một tấm bảng hiệu nào giống tấm bảng hiệu nào vì mỗi tiệm vẽ quảng cáo đều có nét riêng và các nghiệp chủ đều không muốn bảng hiệu của tiệm mình đụng hàng với các bảng hiệu của tiệm khác.
Nếu hai tiệm ăn nằm cạnh nhau có cùng một ngành nghề thì chắc chắn hai bảng hiệu sẽ do hai tiệm vẽ quảng cáo khác nhau thực hiện để khỏi giống nhau về hình ảnh, màu sắc và phong cách. Nếu Tiệm mì Hòa Ký có hình con gà quay ươm vàng, chảy mỡ trên bảng hiệu thì bảng hiệu của Tiệm mì Ký Hòa sẽ là hình ảnh một người phụ nữ đang cầm đũa, há miệng, lòi răng bên tô mì bốc khói.
Các tiệm vẽ bảng hiệu quảng cáo phải thuộc nằm lòng những quy định của chính quyền và góp ý cho nghiệp chủ để họ khỏi bị sờ gáy khi chưa mở tiệm. Vào tháng 12/1967 chính quyền Sài Gòn quy định bảng hiệu phải dùng Việt ngữ, chỉ trừ cơ sở của người nước ngoài được phép dùng danh hiệu ngoại ngữ cũ đồng thời phải thêm vào bảng hiệu một tên mới bằng tiếng Việt và chữ Việt phải lớn gấp ba lần danh hiệu ngoại ngữ.
Thứ hai mục đích của cơ sở kinh doanh phải dùng Việt ngữ. Thí dụ Kim’s Tailor thì phải viết là Nhà may Kim chứ không phải nghiệp chủ muốn tiệm vẽ bảng hiệu làm thế nào thì họ phải làm theo, mặc dù khách hàng là thượng đế.
Thời kỳ này, muốn có bảng hiệu đẹp thì nghiệp chủ phải tìm đến những tiệm vẽ quảng cáo có tiếng, nhiều mẫu mã và các tay thợ vẽ quảng cáo “danh trấn giang hồ”.
Giá cả chắc chắn là cao hơn tiệm vẽ không có tiếng tăm và ngoài ra cũng còn tùy theo kích cỡ theo yêu cầu nghiệp chủ. Kích cỡ này phải phù hợp với quy định của chính quyền sở tại để tránh tình trạng bảng hiệu lổn nhổn, thụt thò – thò thụt, cũng như tạo sự công bằng giữa các nghiệp chủ với nhau. Không ai có thể ỷ mình nhiều tiền mà đè bẹp đối thủ cạnh tranh mà từ đó làm xấu bộ mặt mỹ quan đô thị.
Những người thợ vẽ giỏi, cũng có một ít là họa sĩ, xuất thân từ Trường Mỹ thuật Gia Định hay Đồng Nai hẳn hoi, là “cây đinh” cho từng tiệm làm quảng cáo bảng hiệu. Cũng giống như những họa sĩ vẽ pa nô cho các rạp chiếu bóng, mỗi người đều có phong cách – thường gọi là “xì tin” – của mình nên nhìn bảng hiệu quảng cáo người tinh mắt có thể nhận ra là nghiệp chủ đã thuê nơi đâu thực hiệu bảng hiệu. Còn như kỹ hơn thì người ta có thể nhìn góc nhỏ phía dưới của bảng hiệu sẽ thấy tên của tiệm làm bảng hiệu quảng cáo và nhiều khi có cả tên của họa sĩ.
Bởi vậy, mới có thể lý giải vì sao dù có khó khăn nhưng những người thợ thực sự tài năng và đam mê như ông Hoàng Minh Phương vẫn níu giữ lấy cái nghề đang ở bên kia sườn dốc. Gần một thời gian dài ông không tìm được người nối nghiệp khiến tinh thần xuống dốc. Tuy nhiên gần đây đứa con trai trong gia đình đã theo nghề làm bảng hiệu và chịu học cùng ông.
“Sẽ có ngày người ta quay về những giá trị xưa, những tấm bảng hiệu vẽ bằng tay được nhiều người ưa chuộng trở lại”, ông Phương kỳ vọng.